TỔNG QUAN
95 năm – một ngôi trường
Gần một thế kỷ đã đi qua với biết bao biến cố lịch sử và những đổi thay trong cuộc đời. 95 năm có thể chỉ là cái chớp mắt của vị thần thời gian nhưng là một hành trình dài để hình thành và phát triển của ngôi trường có bề dày lịch sử mang tên ÁO TÍM – GIA LONG -MINH KHAI.
Nằm ở khu vực trung tâm thành phố, được bao bọc bởi bốn giao lộ đông người, thờ ơ với những bon chen, náo nhiệt của phố phường, ngôi trường đã trở thành một chốn bình yên đi về phủ đầy cây xanh bóng mát, là đất lành nuôi dưỡng tâm hồn và vun đắp tri thức cho biết bao lớp học trò trưởng thành và vinh danh cho đời. Được khởi công xây dựng từ năm 1913, từ tâm huyết của những người trí thức yêu nước quan tâm đến vấn đề giáo dục nữ giới, đến nay đã gần trăm năm tuổi, bên cạnh những kiến trúc kiểu gô-tích phổ biến ở đầu thế kỉ XX, ngôi trường vẫn ung dung khoác lên mình chiếc áo thanh tân được tô điểm bằng bao đổi thay, phát triển và vươn lên không ngừng qua từng năm tháng. Nó như diện mạo của một người con gái mang nét đẹp truyền thống, duyên dáng, kín đáo, luôn biết làm mới mình và chưa bao giờ bằng lòng dừng lại với những gì đang có.
Ban đầu trường chỉ có những lớp đồng ấu (Enfantin) và những lớp cao đẳng (Supérieur) của bậc sơ học. Năm 1922 trường đã khánh thành Ban nữ trung học học đường với cái tên Collège de Jeunes Filles Indigènes (Trường con gái bản xứ). Màu tím được chọn là màu áo đồng phục cho nữ sinh thời bấy giờ, tượng trưng cho đức tính đoan trang, kín đáo và khiêm nhường của thiếu nữ Việt Nam; vì thế trường còn được gọi là Trường Áo Tím.
Áo Tím đã từng là niềm tự hào của một thế hệ nữ sinh không chỉ học giỏi, đức độ mà còn biết đặt mơ ước của mình vào những lý tưởng cao cả và thực hiện hành trình mơ ước đó trên mọi nẻo đường đất nước. Năm 1940, trường được đổi tên là Lycée Gia Long, màu áo tím của nữ sinh được chuyển sang màu áo trắng tinh khôi cùng với huy hiệu bông mai vàng rực rỡ lại càng tô điểm thêm những trang sử truyền thống hào hùng cho ngôi trường. Và sẽ không ngạc nhiên khi trường được mang tên người nữ anh hùng bất khuất Nguyễn Thị Minh Khai. sau ngày đất nước thống nhất.
Mỗi chặng đường đi qua, ngôi trường cổ kính nhưng không xưa cũ lại ngày càng khẳng định hơn niềm tin yêu của người dân thành phố dành cho nó. Có thấy được niềm ước ao của bao bậc phụ huynh muốn con mình được đặt chân vào ngôi trường vang danh này, có thấy niềm bâng khuâng, yêu thương và gắn bó của những cựu học sinh Ao Tím – Gia Long – Minh Khai khi nhớ về trường xưa, thầy cô cũ, thì mới thấy hết được giá trị của ngôi trường sắp tròn một thế kỉ. Để làm nên điều kì diệu ấy, không chỉ đơn thuần là vì ngôi trường có khuôn viên đẹp như một công viên, hay mái ngói rêu phong và những vòm ô cửa sổ như những lâu đài trong cổ tích mà còn vì phong cách, nề nếp mang một dấu ấn rất riêng của ngôi trường và những chủ nhân của nó – những con người đã, đang dạy và học ở nơi đây.
95 năm qua đi, đã có biết bao lớp học trò trưởng thành từ ngôi trường này. Trong đó không ít người đã vinh danh trên nhiều lĩnh vực, từ kinh tế, chính trị, đến văn hóa, khoa học, giáo dục như bà Nguyễn Ngọc Dung (nguyên Vụ trưởng Vụ báo chí của Bộ ngoại giao, Đại sứ đầu tiên của Việt Nam tại Liên hiệp quốc), bà Bùi Thị Mè (nguyên Thứ trưởng Bộ thương binh xã hội, Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng), bà Trương Mĩ Lệ (nguyên Phó ban tổ chức Thành ủy), bà Võ Thị Thắng (tổng cục trưởng Tổng cục du lịch), bà Đoàn Lê Hương (Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TW), bà Lê Tú Cẩm ( Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin), bà Vũ Thị Nhung (Tiến sĩ, nguyên Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương), bà Nguyễn Thị Ngọc Phượng (Giám đốc BV Phụ sản, Anh hùng Lao động), Lê Thị Ngọc Nga (Dũng sĩ, nay là Bác sĩ BV Nhi đồng), Lê Hải Liễu (TGĐ Cty XN gỗ Đức Thành), Phạm Uyên Nguyên (Giám đốc Cty Chứng khoán Bảo Việt, chi nhánh TP. HCM), Nguyễn Anh Nguyên (Phó tổng giám đốc Cty Unilever, Việt Nam), Ngô Mỹ Uyên ( Người mẫu, Hoa hậu quốc tế Ai Cập), Đàm Loan (Diễn viên), Thiệu Ánh Dương ( Luật sư, Diễn viên), Sĩ Luân (Nhạc sĩ, Ca sĩ), Minh Thư, Thanh Ngọc (Ca sĩ), … và đặc biệt là những Nhà giáo ưu tú như Cô Trần Thị Tỵ, Cô Phạm Thị Thiệt, Thầy Trần Văn Khánh, Cô Nguyễn Bạch Hồng …. Sẽ mãi mãi in đậm trong trí nhớ và tình cảm của các thế hệ học sinh. Nếu áo Tím – Gia Long đã từng chắp cánh cho những ước mơ thì hôm nay Minh Khai đang là bệ phóng vào đời cho những nhân tài của đất nước.
Tháng năm đi qua, cùng với sự chuyển mình của ngành Giáo dục, trường Minh Khai đã không ngừng đổi mới để ngày càng xứng đáng với niềm tin yêu của mọi người. Cơ sở vật chất khang trang, khuôn viên trường sạch, xanh và đẹp đã tạo được môi trường sư phạm lý tưởng để dạy và học. Chính sự đổi mới trong công tác quản lí và phương pháp dạy học đã mang lại cho Minh Khai một diện mạo khác hẳn. Vận dụng những tiện ích của công nghệ thông tin vào giảng dạy và học tập đã trở nên quen thuộc với cả thầy và trò. Phương pháp dạy học theo dự án đã phát huy được tính tích cực và sáng tạo của học sinh. Mở rộng vòng tay thân ái, Minh Khai đã là điểm hẹn để giao lưu, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm với nhiều bạn bè trong và ngoài nước.
Dẫu biết rằng “cây đời vẫn mãi mãi xanh tươi”, những gì đạt được hôm nay chưa phải là kết quả cuối cùng để hài lòng, nhưng thầy trò trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai hôm nay vẫn có quyền tự hào vì đã giữ vững và viết tiếp được những trang sử truyền thống vẻ vang của ngôi trường mang tên ba thế hệ: Ao Tím – Gia Long – Minh Khai.
CƠ SỞ VẬT CHẤT
Nhà trường hiện có:
§ 46 phòng học tiên tiến
§ 01 phòng Multimedia
§ 01 phòng Lab
§ 01 phòng dự án
§ 04 phòng nghe nhìn
§ 03 phòng thí nghiệm
§ 03 phòng bộ môn,
§ 04 phòng vi tính
§ 01 thư viện
§ 03 hội trường
§ 01 phòng Y tế
§ 01 Nhà thể thao đa năng (596m2)
§ Sân bãi TDTT (594m2)
§ 01 Phòng tập Judo (244m2)
§ 01 hồ bơi (250m2).
CÁC HOẠT ĐỘNG
ĐỊA CHỈ
275 Điện Biên Phủ, Phường 07, Quận 03, Tp.HCM
ĐT: (84.8) 35 002 647 – Fax: (84.8) 39 307 794 – Email: [email protected]
Website: http://www.minhkhai.edu.vn/
THPT Nguyễn Thị Minh Khai